THỰC HIỆN TỐNG ĐẠT GIẤY TỜ CỦA NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

THỰC HIỆN TỐNG ĐẠT GIẤY TỜ CỦA NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

15:03 - 25/08/2018

Thừa phát lại – Vi bằng của thừa phát lại phải được đăng ký
Những trường hợp lập vi bằng của Thừa phát lại
Tìm hiểu về Vi Bằng
Thừa phát lại – Lập vi bằng: Thế mạnh của Thừa phát lại
Thừa phát lại đã lập hơn 500 vi bằng

BÀI THAM LUẬN THỰC HIỆN TỐNG ĐẠT GIẤY TỜ CỦA NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

(Đơn vị thực hiện: Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội)

  1. Tổ chức thực hiện tống đạt giấy tờ nước ngoài tại tòa án:

1.1. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về việc tống đạt giấy tờ của nước ngoài trong lĩnh vực dân sự:

Việc tống đạt giấy tờ của nước ngoài trong lĩnh vực dân sự bao gồm dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động (sau đây gọi chung là tống đạt giấy tờ của nước ngoài) thuộc phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự được quy định cụ thể tại:

- Luật tương trợ tư pháp năm 2007 (Luật TTTP);

- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS);

- Nghị định 92/NĐ-CP ngày 22/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật tương trợ tư pháp năm 2007 (NĐ 92);

- Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG ngày 19/10/2016 của Bộ tư pháp, Bộ ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao về quy trình, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự (TTLT 12);

Ngoài các quy định pháp luật trong nước hoạt động tống đạt giấy tờ của nước ngoài tại Việt Nam còn được quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập, cụ thể là:

- 17 Hiệp định/Thỏa thuận song phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia/vùng lãnh thổ.

- Công ước Lahay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt).

1.2. Thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện yêu cầu tống đạt giấy tờ của nước ngoài:

Thẩm quyền thực hiện tống đạt giấy tờ của nước ngoài Điều 15 Luật TTTP không quy định cụ thể cơ quan nào của Việt Nam sẽ thực hiện tương trợ tư pháp của nước ngoài trong lĩnh vực dân sự nói chung và tống đạt giấy tờ nói riêng mà chỉ gọi chung là cơ quan có thẩm quyền. Trên cơ sở Điều 15 Luật TTTP và căn cứ vào loại giấy tờ hoặc cơ quan ban hành giấy tờ hoặc cơ quan ban hành giấy tờ cần tống đạt của nước ngoài, chức năng, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp tại Việt Nam, khoản 1 Điều 17 TTLT 12 cụ thể  hơn cơ quan, tổ chức có thẩm quyền  thực hiện tống đạt giấy tờ nước ngoài gồm: Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh trong trường hợp tống đạt giấy tờ của nước ngoài liên quan đến thi hành án; Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ theo quy định của pháp luật.

1.3. Tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội

Quy trình thực hiện việc tống đạt văn bản giấy tờ của nước ngoài tại Tòa án sau khi nhận được từ Bộ Tư pháp được thực hiện như sau:

- Sau khi bộ phận Hành chính tư pháp nhận được văn bản yêu cầu tống đạt từ Bộ tư pháp chuyển đến, cán bộ chuyên trách được phân công nhiệm vụ sẽ vào sổ công văn đến và chuyển đến cho lãnh đạo văn phòng để phân loại công văn.

- Lãnh đạo văn phòng sau khi nghiên cứu xem xét, xử lý công văn đến sẽ chuyển đến các đơn vị có liên quan:

Trường hợp văn bản giấy tờ của nước ngoài cần tống đạt cho cá nhân thì bộ phận văn phòng sẽ chuyển đến cho thư ký của lãnh đạo phụ trách đơn vị liên quan (VD: Chánh tòa dân sự). Thư ký của đồng chí chánh tòa dân sự sẽ trình cho đồng chí chánh tòa để chánh tòa phân công cho một thẩm phán nghiên cứu xem xét việc tống đạt.

Trường hợp văn bản giấy tờ của nước ngoài cần tống đạt cho pháp nhân thì bộ phận văn phòng sẽ chuyển đến cho thư ký lãnh đạo phụ trách đơn vị liên quan (VD: Chánh tòa kinh tế). Thư ký của đồng chí chánh tòa kinh tế sẽ trình cho đồng chí chánh tòa phân công cho một thẩm phán nghiên cứu xem xét việc tống đạt.

Sau khi thẩm phán nghiên cứu, xem xét văn bản giấy tờ của nước ngoài cần tống đạt sẽ giao cho thư ký thực hiện việc tống đạt. Trường hợp có địa chỉ cụ thể, rõ ràng, thư ký sẽ làm bảng kê giao nhận văn bản cần tống đạt cho cơ quan thừa phát lại để thực hiện việc tống đạt trực tiếp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân cần tống đạt văn bản giấy tờ của nước ngoài. Khi cơ quan thừa phát lại trả kết quả tống đạt cho Tòa án, thư ký Tòa án nhận và kiểm tra kết quả tống đạt.

Trường hợp cơ quan thừa phát lại tống đạt thành cho người cần tống đạt thì thẩm phán được phân công giải quyết việc tống đạt văn bản giấy tờ của nước ngoài làm công văn gửi Bộ tư pháp nêu về kết quả thực hiện việc tống đạt và gửi kèm biên bản giao nhận (là kết quả tống đạt của cơ quan thừa phát lại) cho Bộ tư pháp.

Trường hợp cơ quan thừa phát lại tống đạt không thành cho người cần tống đạt thì thẩm phán được phân công giải quyết việc tống đạt văn bản giấy tờ của nước ngoài yêu cầu thư ký tiến hành đi trực tiếp đến địa chỉ cần tống đạt để phối hợp với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương tiến hành xác minh về địa chỉ và trường hợp cần tống đạt và tiến hành việc tống đạt theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (lập biên bản xác minh, niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường và niêm yết tại địa chỉ cần tống đạt). Sau đó thẩm phán được phân công giải quyết việc tống đạt văn bản giấy tờ của nước ngoài àm công văn gửi Bộ tư pháp nêu về kết quả thực hiện việc tống đạt và gửi kèm biên bản xác minh, niêm yết cho Bộ tư pháp.

1.4. Số lượng các yêu cầu tống đạt giấy tờ của nước ngoài tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội được tính từ 01/10/2016 đến 31/7/2018:

STT

N                  Năm

Số lượng yêu cầu tiếp nhận

Kết quả giải quyết

1

2016

Tiếp nhận 32

Giải quyết 32

2

2017

Tiếp nhận 32

Giải quyết 28

3

2018 (31/7)

Tiếp nhận 25

Giải quyết 18

 

1.5. Đánh giá kết quả thực hiện các yêu cầu:

Trong các yêu cầu tống đạt giấy tờ trong những năm vừa qua số lượng yêu cầu về cơ bản được thực hiện thành công; số lượng yêu cầu thực hiện không thành công rất ít, đa số những yêu cầu không thực hiện không thành công do tổ chức, cá nhân cần tống đạt không còn tại địa chỉ cần tống đạt mà hiện nay không rõ đi đâu. Thời gian tiến hành thực hiện việc tống đạt từ khi nhận được văn bản yêu cầu tống đạt của Bộ tư pháp cho đến khi tống đạt xong trung bình từ 15-35 ngày, tùy theo tính chất từng vụ việc.

1.6. Hạn chế khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân và đề xuất giải pháp:

Một số hạn chế đối với việc thực hiện tương trợ tư pháp nói chung và tống đạt giấy tờ nói riêng vẫn còn tồn tại và đang dần dần được khắc phục đó là:

- Thứ nhất, tỷ lệ thực hiện yêu cầu tống đạt giấy tờ chưa cao, trung bình chỉ đạt 70%/năm;

- Thứ hai, thời gian thực hiện chưa đảm bảo theo quy định, cá biệt có những yêu cầu để quá thời hạn khá lâu.

Các tồn tại trên bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

- Về mặt khách quan:

+ Địa chỉ của người được yêu cầu tống đạt không đầy đủ chỉ có tên xã/phường thiếu số nhà, thôn, xóm nên mất rất nhiều thời gian xác minh, kiểm tra;

+ Hồ sơ không đầy đủ bản dịch Tiếng Việt hoặc bản dịch không đảm bảo chất lượng nên gặp khó khăn trong xác định nội dung yêu cầu, xác định đương sự.

+ Người được yêu cầu tống đạt ở vùng sâu, xa giao thông đi lại khó khăn không thuận tiện.

- Về mặt chủ quan:

Tại Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội chưa có bộ phận riêng để thực hiện yêu cầu tống đạt giấy tờ của nước ngoài. Thông thường Thẩm phán giao nhiệm vụ này do các thư ký Tòa án kiêm nhiệm thực hiện, trong khi đó riêng công tác chuyên môn, nghiệp vụ xét xử giải quyết các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại trong nước hiện nay tại Tòa án cũng đang quá tải cần tập trung nguồn lực.

Tính chất và tầm quan trọng của hoạt động tống đạt giấy tờ trong hoạt động tố tụng giải quyết các vụ việc dân sự đảm bảo quyền lợi ích của người dân, doanh nghiệp cũng như quan hệ đối ngoại của Việt Nam với nước ngoài chưa được coi trọng nên các cơ quan địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này, khi nhận được các yêu cầu không triển khai thực hiện ngay.

Đề xuất giải pháp:

- Cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm, chế tài xử lý đối với người được phân công nhiệm vụ thực hiện việc tống đạt trong trường hợp để quá thời hạn quy định trả kết quả tống đạt nếu không có lý do chính đáng.

- Việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu trên các địa bàn thành phố Hà Nội cần được quản lý chặt chẽ hơn để trường hợp cá nhân, tổ chức đi đâu phải báo lại cơ quan quản lý nhân hộ khẩu, tránh trường hợp cá nhân, tổ chức chuyển địa chỉ khác mà cơ quan quản lý nhân khẩu, hộ khẩu không biết.

- Đối với các trường hợp cần thực hiện việc tống đạt giấy tờ của nước ngoài qua Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì tòa án nhân dân cấp tỉnh cần phải có bộ phận được phân công theo dõi việc thực hiện tống đạt giấy tờ, kiểm tra, rà soát các trường hợp yêu cầu từ đó đôn đốc người thực hiện việc trả kết quả đúng thời hạn quy định.

- Cần phải phổ biến tới nhân dân cũng như các cán bộ công chức trong các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ thực hiện tống đạt giấy tờ của nước ngoài phải nhận thức về sự cần thiết và quan trọng của quan hệ đối ngoại đối với nước ngoài và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của việc nhận giấy tờ cần tống đạt cũng như trách nhiệm thực hiện việc tống đạt giấy tờ của nước ngoài được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo thời hạn và đúng quy định của pháp luật.

  1. Đánh giá về sự cần thiết của việc tống đạt giấy tờ nước ngoài cho Văn phòng thừa phát lại:

Từ ngày 01/10/2016, Công ước Tống đạt có hiệu lực với Việt Nam, số lượng hồ sơ tống đạt giấy tờ của nước ngoài tại Việt Nam ước tính tăng, bởi lẽ trên cơ sở Công ước Tống đạt, Việt Nam có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của hơn 70 quốc gia thành viên còn lại.

Trong khi công việc tống đạt văn bản của chính Tòa án đã phải giao cho thừa phát lại thực hiện việc tống đạt văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cũng nên giao cho thừa phát lại thực hiện. Việc giao cho thừa phát lại thực hiện sẽ:

- Giảm tải công việc cho Tòa án;

- Nâng cao hiệu quả hoạt động tống đạt giấy tờ nước ngoài tại Việt Nam;

- Góp phần tăng cường vai trò, mở rộng phạm vi hoạt động cho thừa phát lại để thúc đẩy nghề thừa phát lại phát triển.

Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2018

Ths. Nguyễn Thị Thu Huyền

Tòa Kinh tế - Tòa án NDTP Hà Nội